Bệnh lậu là một trong những bệnh phổ biến nhất mà mọi người mắc phải khi hoạt động tình dục không an toàn. Bệnh có thể lây truyền từ người này qua người kia khi hoạt động tình dục và không có triệu chứng rõ ràng riêng ở nữ giới. Điều này khiến cho bệnh lậu trở thành “Sát thủ máu lạnh” của các cặp tình nhân khi họ quan hệ tình dục.
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục, trực tràng và cổ họng. Bệnh cực kỳ phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên.
Nguyên nhân gây bệnh lậu?
Bệnh lậu được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, có thể dễ dàng lây lan giữa mọi người với nhau thông qua:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn;
- Dùng chung các loại đồ chơi tình dục mà chưa được rửa sạch và tiệt trùng.
Người bệnh mắc phải bệnh lậu như thế nào?
Người bệnh mắc phải bệnh lậu khi miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục của họ tiếp xúc với miệng hoặc bộ phận sinh dục của người mắc bệnh. Ngoài ra, nam giới chưa cần phải phóng tinh mới mắc được bệnh. Bệnh lậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con khi em bé được sinh ra.
Người từng mắc phải bệnh vẫn có khả năng bị tái nhiễm nếu họ quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh lậu.
Các triệu chứng của bệnh lậu
Các triệu chứng chỉ xuất hiện khoảng 1 đến 14 ngày sau khi mắc bệnh.
Nam giới khi mắc bệnh lậu thường có mủ trắng, vàng trắng hoặc vàng xanh ở đầu dương vật vào buổi sáng khi ngủ dậy hoặc buổi tối trước khi ngủ, và còn các triệu chứng phổ biến khác như: đau khi tiểu, tiểu nhiều, đau ngứa hoặc sưng ở đầu dương vật, tinh hoàn.
Hầu hết nữ giới thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới thường nhầm lẫn với bệnh viêm đường tiết niệu hoặc viêm âm đạo. Các dấu hiệu nhận biết nữ giới mắc bệnh lậu bao gồm khó tiểu, đau khi tiểu, tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần gặp bác sĩ khi bạn có các triệu chứng nêu trên và sau khi quan hệ không an toàn với người có nguy cơ mắc bệnh lậu để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
Sẽ ra sao nếu không điều trị kịp thời?
Bệnh lậu nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe cho nam giới lẫn nữ giới.
Ở nữ giới, vi khuẩn gây bệnh có thể di chuyển đến vùng tử cung gây bệnh viêm vùng chậu (PID) ở giai đoạn trước và sau khi mang thai, dẫn đến tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.
Ở nam giới, vi khuẩn lậu có thể di chuyển vào vùng tinh hoàn gây viêm mào tinh hoàn, không điều trị có thể dẫn đến vô sinh.
Hơn nữa, vi khuẩn gây bệnh lậu có thể di chuyển, lây lan khắp mạch máu và gây viêm nhiễm các bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm các khớp. Các triệu chứng thường thấy là sốt, ngứa, rát da, đau khớp.
Ngoài ra, những đối tượng mắc bệnh lậu có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao hơn. Theo thống kê, những người nhiễm đồng thời bệnh lậu và HIV/AIDS có khả năng lây truyền virus gây HIV/AIDS cho người khác cao hơn những bệnh nhân chỉ bị nhiễm HIV/AIDS.
Ở trẻ sơ sinh, bị nhiễm bệnh lậu từ người mẹ khi mang thai có thể dẫn đến mù lòa.
Cách điều trị bệnh lậu hiệu quả
Cách chẩn đoán bệnh lậu?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lậu bằng cách:
Kiểm tra mẫu nước tiểu.
Kiểm tra mẫu dịch tiết ở cổ họng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn bằng tăm bông.
Những phương pháp điều trị bệnh lậu?
Đối với người trưởng thành, bệnh lậu thường được điều trị bởi kháng sinh Ceftriaxone dạng tiêm và Azithromycin (Zithromax) dạng uống. Nếu bạn bị mẫn cảm với thành phần của Ceftriaxone, bạn có thể sử dụng Gemifloxacin dạng uống thay thế.
Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh loại an toàn để không gây các biến chứng trên thai nhi. Nếu bạn mắc nhiều bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ sẽ điều trị chúng cùng một lúc. Bạn tình của bạn cũng cần được điều trị. Để tránh tái nhiễm, cả 2 không nên quan hệ tình dục cho đến khi cả hai điều trị xong.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ vị thành niên, bệnh lậu có thể được điều trị bằng kháng sinh được kê bởi bác sĩ.
Bệnh sẽ không hết nếu như bạn không tuân thủ theo liệu trình điều trị, cho dù bạn có cảm thấy khỏe hơn và không còn xuất hiện các triệu chứng của bệnh lậu. Hơn nữa, bạn cũng không được sử dụng bất kỳ loại thuốc ngoài toa nào trong suốt quá trình điều trị bệnh lậu vì nó có thể làm cho căn bệnh trở nên khó điều trị hơn.
Không nên quan hệ tình dục cho đến khi đã điều trị dứt điểm căn bệnh.
Nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ để tránh lây nhiễm căn bệnh này.
Cách phòng ngừa bệnh lậu
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn, đường miệng.
Hạn quan hệ tình dục bừa bãi.
Đảm bảo rằng bạn và bạn tình đã được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tránh quan hệ tình dục với đối tượng có nghi ngờ mắc bệnh. Nếu bạn tình của bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục như nóng rát khi đi tiểu, phát ban hoặc đau ở bộ phận sinh dục, đừng quan hệ tình dục với người đó.
Nên đi xét nghiệm vi khuẩn lậu thường xuyên.
Nếu bạn có gặp phải bất kỳ tình trạng nào hoặc có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bệnh lậu, hãy liên hệ và đến khám tại Phòng Khám Nam Giới Men’s Health để được đội ngũ bác sĩ tận tình tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.
MUA THUỐC UY TÍN - CHẤT LƯỢNG Ở ĐÂU?
Để được tư vấn về sản phẩm mời các bạn liên hệ Nhà thuốc Nam khoa Men’s Health với đội ngũ Bác sĩ – Dược sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn.
- Hotline: 0911 161 161
- Zalo: 0911 161 161 - Nhathuocnamkhoa.com
- Địa chỉ: 7B/31 Thành Thái, phường 14, quận 10, Tp.HCM
- Email: nhathuoc.menhealth@gmail.com
- Website: https://nhathuocnamkhoa.com hoặc https://menhealthpharmacy.com/