Mô tả
HIV được gọi là căn bệnh thế kỷ bởi tốc độ lây lan chóng mặt và những hệ luỵ khủng khiếp của nó đối với hệ miễn dịch của con người. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn HIV nhưng bạn có thể phòng ngừa nó bằng PrEP.
PrEP là thuốc gì?
PrEP là thuốc điều trị dự phòng HIV trước khi phơi nhiễm. Loại dùng ở Việt Nam hiện nay có tên biệt dược là Truvada, bao gồm hai hoạt chất ARV và Emtricitabine và Tenofovir).
Truvada tạo nên rào cản, không cho virus HIV đi vào cơ thể và nhân lên. Dùng mỗi ngày giúp giảm thiểu đến 90% nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, bạn phải sử dụng hằng ngày mới cho hiệu quả như mong đợi.
Ai nên sử dụng PrEP?
Những người có nguy cơ lây nhiễm HIV nên được điều trị với PrEP.
- Người thường xuyên có quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc thường xuyên thay đổi bạn tình, bao gồm tất cả các giới (nam, nữ, LGBTIQ+)
- Có tiêm chích ma tuý
- Bạn tình của người nhiễm HIV chưa được kiểm soát tốt
Nếu đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng PEP mà vẫn có nguy cơ bị nhiễm cao thì cũng nên dùng PrEP.
Hướng dẫn sử dụng PrEP
Uống đều đặn mỗi ngày 1 viên, trước hoặc sau khi ăn đều được. Bạn nên uống thuốc vào các thời điểm cố định trong ngày để tạo thói quen uống thuốc cũng như đảm bảo thuốc có tác dụng tốt nhất.
Nếu lỡ quên một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên khi đã gần với liều tiếp theo thì bỏ qua luôn liều đã quên và uống theo lịch trình cũ. Khuyến cáo là không uống quá 2 liều trong vòng 24 giờ.
PrEP hầu như không tương tác với các thuốc khác hay có tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn có thể yên tâm sử dụng.
Phải dùng PrEP bao lâu mới có thể bảo vệ cơ thể?
PrEP cho hiệu quả tối đa sau ít nhất 7 ngày với người quan hệ đường hậu môn và ít nhất 21 ngày với người quan hệ đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm qua đường máu.
Sau khoảng thời gian kể trên, người dùng vẫn phải uống PrEP hằng ngày cho đến khi không có hành vi có thể gây nhiễm nữa (tức là không quan hệ thiếu an toàn, không tiêm chích…).
Khi quyết định dùng hay ngừng thuốc cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Chống chỉ định
- Những người đã bị HIV
- Viêm gan mạn tính cần phải thận trọng xem xét
- Kiểm tra chức năng thận và theo dõi trong suốt quá trình dùng
Tác dụng không mong muốn của PrEP?
Hầu hết người dùng PrEP không gặp phải phản ứng bất lợi nào đáng kể. Nhưng cũng có một số ít trường hợp bị mệt mỏi, đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy hay đau bụng. Các tác dụng phụ này biến mất sau một vài tuần nhưng nếu kéo dài hơn cần liên hệ với thầy thuốc để được hỗ trợ.
Mỗi 3 tháng bạn phải kiểm tra sức khỏe một lần để đảm bảo cơ thể vẫn luôn khỏe mạnh. PrEP được khuyến nghị trong thời gian bạn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Điều trị PrEP ở đâu?
Nhiều tỉnh hiện đã được cung cấp PrEP để điều trị. Bạn có thể đến các bệnh viện lớn tại địa phương để được hướng dẫn. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đến Trung tâm Sức Khoẻ Nam Giới tại 7B/31 Thành Thái, phường 14, quận 10 (Hotline 0902.353.353).
Be the first to review “PrEP – Phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”